Sau năm 2022 thu hút nhiều sự chú ý, cộng đồng Pi Network mở đầu năm mới với thông tin gây phấn khích: một số sàn sẽ niêm yết tiền ảo này. Điều này báo hiệu Pi cuối cùng cũng có giá trị. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, thực tế Pi được niêm yết do các sàn tự tạo ra theo hình thức ghi nợ IOU (I Owe You). Có nghĩa, sàn sẽ niêm yết một đồng tiền số từ trước để người dùng giao dịch, sau đó trả bằng đồng thật nếu dự án phát hành chính thức. Dù tiền ảo đã “về ví”, người chơi không thể làm gì ngoài việc giao dịch thử nghiệm cho nhau.
Trên mạng xã hội, một số người cũng tìm cách giao dịch, thậm chí nói đã mua hàng với Pi, dù hành vi mua bán bằng tiền ảo là vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Vào tháng 3, Pi xuất hiện trên một gian hàng của nền tảng thương mại điện tử, cho phép người dùng mua sản phẩm bên cạnh tiền pháp định. Gian hàng này sau đó đã bị xóa. Đến giữa tháng 6, hơn 1.500 người tổ chức offline tại Bắc Ninh để bàn về giá Pi, dù đây cũng là hành động không được phép.
Trong khi đó, một số người thậm chí đầu tư hàng tỷ đồng để chạy Pi Node (nút mạng Pi) với mục đích kiếm được nhiều Pi hơn, thay cho việc “điểm danh” trên điện thoại. Không như ứng dụng smartphone đóng vai trò đăng ký, đăng nhập, phục hồi tài khoản và “điểm danh” nhận Pi, Pi Node chạy trên máy tính và có nhiệm vụ xác nhận giao dịch trong hệ thống của Pi Network.
Cuối tháng 6, Bộ Công an cho biết đã phối hợp với công an địa phương điều tra hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi. Theo thiếu tướng Lê Xuân Minh, Phó cục trưởng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) – Bộ Công an, các hoạt động liên quan đến tiền ảo Pi có những dấu hiệu của hoạt động lôi kéo, tiền người trước trả cho người sau trong mô hình kinh doanh theo dạng nhị phân, đa cấp. A05 khuyến cáo người dân thận trọng trước hành vi lôi kéo tham gia mô hình tiền ảo có lợi nhuận cao bất thường, hoặc mô hình đa cấp.
Sau động thái trên, hoạt động về Pi Network lắng xuống, nhưng một số người vẫn tìm cách lách luật để mua bán hàng thật bằng tiền ảo này. Để qua mặt cơ quan quản lý, hai bên nói sẽ “tặng” Pi và cảm ơn bằng một món quà, hoặc “trao đổi đồng thuận”, chứ không không gọi là giao dịch, thanh toán. Một số khác sử dụng chiêu cho người dùng đặt hàng sản phẩm, trong đó có thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, máy ảnh từ nước ngoài, bằng cách “đặt cọc” tiền ảo Pi. Hàng hóa sau khi về nước sẽ được trả một phần bằng Pi, còn lại là tiền mặt.
Dữ liệu từ SimilarWeb cho thấy, lượng truy cập minepi, website của dự án Pi Network, giảm gần 80% từ tháng 6 đến tháng 12. Hồi tháng 6, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về lượng truy cập trang web này, sau Mỹ. Còn trong ba tháng gần nhất, Việt Nam xếp thứ 5. Theo Google Trends, số lượt tìm kiếm nội dung liên quan đến Pi Network tại Việt Nam hiện cũng giảm hơn 70% tính từ tháng 1.
Trong khi đó, đội ngũ phát triển Pi Network không có cải tiến mới nào trừ các thông báo trấn an người dùng. Trong thông báo mới nhất ngày 27/12, nhóm chỉ tinh chỉnh một số tính năng nhỏ cho ứng dụng Pi.
Tuy nhiên, nhóm cũng hứa hẹn một mạng “mainnet mở” nếu đáp ứng ba điều kiện: hoàn thành mạng mở về công nghệ, sản phẩm, kinh doanh và pháp lý cho Pi; đạt các mục tiêu về KYC (xác thực danh tính); và cần có “môi trường thuận lợi, không cản trở sự thành công của mainet mở”.
“Chúng tôi sẽ chuyển sang thời kỳ mainnet mở vào năm 2024. Chưa có ngày cụ thể được thiết lập. Ba điều kiện phụ thuộc vào nỗ lực tập thể của những người tiên phong và nhà phát triển cộng đồng, cũng như yếu tố không thể kiểm soát bên ngoài”, thông báo có đoạn.
Pi Network xuất hiện từ 2019 và rộ lên tại Việt Nam năm 2021. Ứng dụng nhiều lần bị các chuyên gia cảnh báo về sự thiếu tính minh bạch, có thể được tạo nhằm thu thập thông tin người dùng. Tiền ảo Pi hiện vô giá trị, còn trạng thái của dự án vẫn là “mainet kín”, tức chưa thể giao dịch với các tiền số khác.